Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng
MADAM NHU TRẦN LỆ XUÂN - QUYỀN LỰC BÀ RỒNG viết về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (bà Nhu, 1924-2011). Bà là vợ của ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền ở miền nam Việt Nam trước đây.
Sách được dịch giả Mai Sơn chuyển ngữ từ tác phẩm đầu tay của tác giả Mỹ Monique Brinson Demery. Tên tiếng Anh của sách là Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhudo Nhà xuất bản PublicAffairs phát hành vào tháng 5/2013. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên về chân dung bà Trần Lệ Xuân phát hành trên thế giới.
MADAM NHU TRẦN LỆ XUÂN - QUYỀN LỰC BÀ RỒNG gồm 16 chương, phản ánh những diễn biến chính trong cuộc đời bà Trần Lệ Xuân từ lúc bà sinh ra từ năm 1924 đến khi bước vào cuộc sống lưu vong.
Bà Trần Lệ Xuân sinh ra khi mẹ bà 14 tuổi. Mẹ bà thuộc dòng dõi hoàng gia quyền quý (công chúa Nam Trân) và cha xuất thân từ gia đình địa chủ quyền thế họ Trần. Chương bốn "Chân dung một tiểu thư", kể về giai đoạn bà Nhu lớn lên và trưởng thành tại Hà Nội sau bảy năm ở vùng thôn quê miền Nam với việc: "... học một ngôi trường Pháp cùng với trẻ em Pháp và nói tiếng Pháp với cha mẹ ở nhà…".
Bà Trần Lệ Xuân gặp ông Ngô Đình Nhu vào năm 1940 khi ông gần 30 tuổi còn bà ở tuổi 15. "… Họ gặp nhau trong khu vườn nhà ông Trần Văn Chương - bố bà Trần Lệ Xuân, ở Hà Nội. Ông Nhu vừa trở về Việt Nam sau gần một thập niên học hành ở Pháp…". Mãi cuối đời, bà bộc bạch: "Tôi chưa từng có một tình yêu ngọt ngào" và thừa nhận rằng cuộc hôn nhân của bà với ông Nhu là một vấn đề thực tế, không phải chuyện yêu đương lãng mạn.
Ở các chương như "Những tấm da cọp", "Những nhà sư tự thiêu", "Cửa đóng", "Đảo chính", "Lưu vong"..., độc giả được tiếp cận với nhiều chi tiết, nhiều tư liệu lịch sử xoay quanh cuộc đời người phụ nữ để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Tác giả Monique Brinson Demery tốt nghiệp Đại học Hobart và William Smith, sau đó lấy bằng Thạc sĩ về Đông Á học tại Đại học Harvard vào năm 2003. Monique Brinson Demery từng tham gia khóa học tại Hà Nội vào năm 1997 trong chương trình du học của Đại học Hobart và William Smith. Cuộc phỏng vấn đầu tiên của Demery với bà Nhu diễn ra vào năm 2005. Đây cũng là lần đầu tiên bà Nhu tiếp xúc lại với báo chí phương Tây sau gần 20 năm chọn cách im lặng.