Cái Vô Hạn Trong Lòng Bàn Tay

132.000 đ
Giá cũ: 155.000 đ
Giảm: 23.000 đ (15%)
Còn hàng
+
Thêm Vào Danh Sách Yêu Thích

Cuốn sách là nội dung toàn bộ cuộc nói chuyện giữa nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận và một nhà sư, vốn là một nhà khoa học Mỹ, Matthieu Ricard, về bản chất của hiện thực và ý thức qua lăng kính của vật lý cùng các ngành khoa học tự nhiên và Phật giáo.

Điều đặc biệt thu hút tôi, với tư cách là một người đọc, là những quan điểm vô cùng uyên thâm và chặt chẽ của Phật giáo về những vấn đề cơ bản của triết học được diễn giải một cách hệ thống qua trình bày của nhà sư Matthieu Ricard. Bạn đọc có thể đã đọc rất nhiều sách viết về Phật giáo, nhưng có lẽ ở Việt Nam, trước cuốn sách này, chúng ta chưa bao giờ được đọc về Phật giáo như một trường phái triết học thực sự và một khoa học.

Điểm khác biệt cơ bản của khoa học Phật giáo và khoa học tự nhiên là khoa học Phật giáo nghiên cứu các chiêm nghiệm nội quan, trong khi các ngành khoa học tư nhiên, trong đó có vật lý, lại nghiên cứu những hiện tượng bên ngoài. Matthieu Ricard nói: "Mục đích của chiêm nghiệm Phật giáo trước hết là chẩn đoán các tri giác hiện thực sai lầm của chúng ta, và sau đó phát hiện ra bản chất của tinh thần và của các hiện tượng, để đáp ứng nguyện vọng của chúng sinh muốn chấm dứt đau khổ và tìm thấy hạnh phúc đích thực".

Với triết học Phật giáo, bản chất tối hậu của vũ trụ là trống rỗng. Thế giới vật chất như chúng ta tri giác được, hoặc hiện lên qua các nghiên cứu của khoa học, chỉ là biểu hiện bề ngoài của bản chất tối hậu đó mà thôi. Theo Phật giáo, "sự hợp nhất của trống không và các biểu hiện bề ngoài là bí mật của sự tổng giác hiện thực. Trong không, các vật xuất hiện; xuất hiện, chúng lại trống không". Với triết học Phật giáo, vũ trụ không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Các hiện tượng không có tồn tại tự thân. Chúng xuất hiện, biến đổi, trong sự phụ thuộc và tương tác lẫn nhau. Phật giáo phủ nhận lý luận cho rằng vũ trụ có một đấng sáng thế.

Ý thức, một trong những phạm trù cơ bản nhất của triết học, được Phật giáo chia thành ba cấp độ: cấp độ thô phụ thuộc vào não; cấp độ tinh là thể hiện của khả năng tự kiểm soát và ý chí tự do; cấp độ tinh nhất, cao nhất là Giác ngộ – nơi nhận thức thế giới vượt lên tất cả mọi khái niệm và tư duy. "Giác ngộ đơn giản là sự thức tỉnh khỏi cơn mơ vô minh, giấc mơ gán tồn tại tự thân cho vạn vật". Theo chân ngôn tông, quan điểm sâu sắc nhất của Phật giáo, thì ý thức cơ bản được gọi là "sự hiện diện tỉnh thức". Theo diễn giải của Matthieu Ricard, không nhị nguyên, không mập mờ, ý thức này vượt ra ngoài các khái niệm logic và do đó vượt ra ngoài các các tư tưởng tích cực, tiêu cực, vượt khỏi sai lầm tức luân hồi, và diệt trừ sai lầm, tức niết bàn.

Trên cơ sở những luận điểm cơ bản nhất này của Phật giáo, nhà sư Matthieu Ricard cũng trình bày các vấn đề cơ bản khác của triết học theo luận điểm của Phật giáo như nguyên nhân và kết quả, không gian và thời gian, chân lý tuyệt đối và tương đối, các quy luật, con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không và bằng cách nào, cái đẹp…

Và cuối cùng là, Phật giáo có khả năng đóng góp vào sự biến đổi của thế giới và làm cho nó tốt đẹp hơn bằng cách nào.

Cuộc nói chuyện giữa một nhà khoa học và nhà sư cũng cho thấy những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa các quan điểm của Phật giáo với các thành tựu của vật lý học hiện đại. Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ nhận thấy vũ trụ luận của khoa học Phật giáo cũng làm chung chiêng rất nhiều những luận điểm then chốt của vật lý học, toán học, sinh học, tâm lý học…Khoa học đã đi con đường của mình nhiều thế kỷ, nhưng phải dựa vào những khái niệm hữu hạn để khám phá và mô tả một thế giới vô hạn, khoa học đang bộc lộ những hạn chế của nó. Với cách nhìn của Phật giáo, khoa học có thể đi sâu vào thế giới hiện tượng, nhưng bằng sự hữu hạn của khái niệm, khoa học vẫn sẽ không tránh khỏi sai lầm và không đi đến được chân lý tối hậu.

Einstein nói: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo của vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên tư tưởng về một Thượng đế có bản ngã…Có khả năng bao trùm tự nhiên lẫm tâm linh, tôn giáo này sẽ phải dựa trên ý thức tôn giáo nảy sinh từ kinh nghiệm về vạn vật, kể cả tự nhiên lẫn tâm linh, được coi là một tổng thể có nghĩa…Phật giáo đáp ứng được sự mô tả này…Nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo".

Để kết thúc cuộc thảo luận, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã viết: "Khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần khoa học. Nhưng con người, để trở nên toàn thiện, thì cần phải có cả hai".

TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC

"Không khẳng định điều gì không phải là một sự tránh né của lý trí, mà là sự thừa nhận bản chất tối hậu của các hiện tượng không thể được quy định bởi các khái niệm, bị giới hạn bởi các định nghĩa, bị bó hẹp trong các phạm trù hiện thực bền vững hay hư vô".

Tác giả:
Matthieu Ricard
Công ty phát hành:
NXB Trẻ
Nhà xuất bản:
NXB Trẻ
Kích thước:
14.5 x 20.5 cm
Số trang:
483
Ngày xuất bản:
03-2019
Loại bìa:
Bìa mềm